Thờ Cúng Tổ tiên – Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc
Từ xưa đến nay, từ Bắc chí Nam, mỗi gia đình Việt đều có bàn thờ gia tiên (Tổ tiên); kể cả những gia đình theo đạo Thiên Chúa, Tin lành, bên cạnh thờ tượng Chúa, có bàn thờ gia tiên với chân dung ông bà cha mẹ trang trọng. Nguồn gốc Thờ cúng Tổ tiên xuất phát từ lòng biết ơn của con cháu, trước tiên đối với công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, đối với các bậc Tổ tiên sanh ra ông bà cha mẹ mình, tạo cơ nghiệp, để lại truyền thống tốt đẹp cho lớp lớp con cháu đoàn kết những người cùng huyết thống thương yêu đùm bọc nhau cùng phát triển. Đó là hiếu đạo của con người, nói rộng ra là bản sắc văn hóa của dân tộc.
Xưa nay, gia đình Việt nam thờ cúng ông bà cha mẹ như là lẽ đương nhiên, là bổn phận (devoir) của con cháu làm một cách tự giác cao, cha truyền con nối không làm không được chớ không phải nhiệm vụ (fonction), có ràng buộc, kiểm tra, nên rất cao đẹp và thiêng liêng “cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Nội dung thờ cúng giống nhau, cúng tại bàn thờ gia đường, hay từ đường, không ai tổ chức lễ giỗ ở nhà hàng (như đám cưới, tiệc liên hoan) thể hiện sự độc tôn và tính riêng tư của gia đình dòng họ. Có khác nhau ở lễ thức tùy theo gia cảnh, nhà khá giả cúng năm mười bàn – có thể kêu thợ nấu đến giúp – nhà nghèo cúng một vài bàn “dĩa dưa dĩa muối” cũng cúng nghiêm trang. Ngày xưa nhà giàu cúng giỗ ba ngày: tiên thường, chánh giỗ, hậu thường; nay rút gọn còn hai ngày: tiên thường và chánh giỗ, mà tập trung là ngày chánh giỗ (ngày mất).
Đám giỗ là lễ kỷ niệm ngày mất của người thân yêu nên rất thiêng liêng. Người được nhận cúng giỗ phải do cha mẹ, hoặc anh em trong gia đình phân công, công nhận có hưởng nhà đất hương hỏa hay không, gia cảnh có khó khăn, nghèo khổ thế nào cũng phải dành dụm lo cho xong đám giỗ – có anh em, con cháu trong họ đến dự chứng kiến – mới yên tâm, mới xứng đáng với lòng tin của gia đình, mới làm tròn hiếu đạo.
Quan niệm cũng là truyền thống đạo lý Việt Nam, ngày giỗ là ngày lễ trọng trong gia đình dòng họ (mức độ tổ chức có khác: Giỗ cha mẹ là lớn nhất) vì ngày mất của người thân con cháu biết được, ngày giỗ là ngày buồn “chung thân chi tang” – Quan niệm ông bà ta không mừng sinh nhật, vì cha sanh mẹ đẻ, khi hình thành bào thai không biết chắc ngày nào, nên tính tuổi trong bụng mẹ là một tuổi, tuổi ta hơn tuổi tây là vậy. Người phương Tây khi hài nhi sanh ra mới tính một tuổi.
Thờ cúng Tổ tiên không chỉ là hình thức tín ngưỡng tâm linh mà đã gắn liền với đời sống của mỗi người, ngoài việc báo hiếu, tuân theo đạo lý con người, còn có ý nghĩa sâu xa đặc biệt quan trọng về chính trị, xã hội trong truyền thống dựng nước, giữ nước, bản sắc văn hóa Đại Việt.
Người Việt trải qua tới 1000 năm Bắc thuộc lại không bị Hán hoá, Tiến sĩ Trần Gia Ninh đúc kết có ba yếu tố cấu thành: Một là có sức sống sinh học và sức sống xã hội mãnh liệt; hai là có trình độ văn hóa và nền văn minh cao hơn dân tộc đi đồng hóa; ba là có tổ chức xã hội tốt, cố kết các thành viên bền chặt.
Sự “cố kết các thành viên bền chặt” là kết quả hiển nhiên của hình thức thờ cúng Tổ tiên đã thành truyền thống ngàn đời của mỗi gia đình, dòng họ, rộng ra là của cả dân tộc – gia đình là tế bào của xã hội. Như vậy việc thờ cúng Tổ tiên đã góp phần quan trọng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, là thần dược chống sự đồng hóa của giặc ngoại xâm, bảo vệ dân tộc, giữ gìn nguyên vẹn non sông gấm vóc Đại Việt cho đến ngày nay.
Không gian thờ Quốc tổ Hùng Vương – Cây Đa Hồn Việt
Quý khách có nhu cầu báo giá dịch vụ tang lễ trọn gói hoặc tham quan hoa viên tại Hoa viên Bình Dương vui lòng liên hệ trực tiếp để nhận được sự tư vấn tận tình nhất.